Tuesday, April 26, 2016

Quản lý nhân sự:6 lỗi cần tránh để giữ chân nhân tài

Tiền bạc và lợi ích không phải là lý do duy nhất khiến nhân tài bỏ việc. Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng, ít cơ hội thăng tiến, có xung đột hay bất đồng quan điểm với quản lý, công việc áp lực đến mức phải làm việc quá sức, không được công nhận thành quả hay công việc nhàm chán… mới là những lý do hàng đầu.

Theo Sarah Vermunt - nhà sáng lập công ty tư vấn phát triển nghề nghiệp Careergasm, để giữ chân nhân tài, nhà quản lý cần tránh những lỗi sau đây:
1. Công việc thực tế không giống như trong bản mô tả tuyển dụng
Nếu công việc chủ yếu là nhập dữ liệu thì đừng mô tả rằng đây là một công việc cực kỳ thú vị và sáng tạo. Nếu 90% công việc là quản lý, bạn mới nên nói nó sáng tạo.
Đừng gây nhầm lẫn với các ứng viên của bạn, đặc biệt là những ứng viên sáng giá cho vị trí mà bạn đang tuyển dụng. Họ sẽ sớm rời bỏ công ty ngay sau khi nhận ra rằng bạn đã đăng tin tuyển dụng không đúng với sự thật.
2. Đổ một núi việc lên đầu nhân viên
Một khối lượng công việc lớn sẽ là một sự thử thách, cho phép con người sử dụng nhiều kỹ năng để hoàn thành. Nhưng là sếp, bạn đừng quên giới hạn của sự chịu đựng, đừng dồn một núi việc của 2, 3 người cho 1 nhân viên.
Nếu thấy nhân viên mệt mỏi vì quá nhiều việc, đừng ngần ngại hỏi họ lý do. Bạn cần phải lựa chọn giữa phân bổ lại công việc cho hợp lý hay thuê một nhân viên mới.
3. Không ghi nhận những nỗ lực của nhân viên
“Tôi là một nhân viên cực kỳ chăm chỉ. Tôi thậm chí không để ý đến việc phải ở lại muộn. Nhưng tại sao tôi không nhận được một lời cảm ơn hay cổ vũ nào từ ông chủ?”. Đó là tâm trạng của hầu hết nhân viên khi không được ông chủ ghi nhận.
Từ "cảm ơn" có ý nghĩa với nhiều người. Khi bạn dành thời gian để nói “cảm ơn” cũng có nghĩa là bạn đang nói “tôi luôn nhìn thấy anh, tôi thấy anh làm việc rất tốt và tôi đánh giá cao điều này”.
4. Quá cứng nhắc
Nhân viên của bạn sẽ không để tâm việc họ phải làm việc chăm chỉ và cống hiến hết mình cho công ty. Những gì mà họ thực sự để tâm đó là khi họ đã cống hiến hết mình như vậy, nhà lãnh đạo có ghi nhận và linh hoạt trong ứng xử hơn hay không. Chẳng hạn, nhân viên của bạn đã làm việc suốt đêm hôm trước và họ muốn xin đến muộn 1 tiếng vào ngày hôm sau. Đừng chần chừ gì mà không gật đầu với những đề nghị đó.
Những quy định không cần thiết khiến cho con người trở nên cứng nhắc. Đừng để chúng trở thành lý do khiến bạn mất đi những nhân viên giỏi. Đây là một chặng đường dài về xây dựng các mối quan hệ. Thêm vào đó, sự linh hoạt sẽ làm cho nhân viên của bạn tăng năng suất làm việc.
5. Không cho nhân viên thấy được tầm nhìn dài hạn
Nhân viên cần biết được sự kết nối giữa công việc họ đến một tầm nhìn dài hạn. Họ cần nhìn thấy cả khu rừng chứ không phải chỉ là những thân cây riêng rẽ.
Nhân viên của bạn luôn muốn tìm kiếm mục đích và sứ mệnh cho mọi công việc của họ. Là nhà quản lý, bạn có thể thấy tất cả chúng được kết nối như thế nào thông qua những hội nghị, cuộc họp chiến lược... nhưng nhân viên của bạn thì không. Và bạn phải là người truyền đạt tầm nhìn đó đến họ.
6. Làm mất niềm tin của nhân viên
Nhân viên giỏi luôn theo đuổi sự công bằng bởi với họ, công bằng là thước đo của nhà lãnh đạo. Trong cùng một nhóm, bạn phải biết được ai đảm nhiệm công việc gì và người nào đã hoàn thành, người nào không.
Mọi nhân viên đều muốn được công nhận những gì họ đã làm được, sự công nhận của sếp là điều quan trọng nhất, sau đó đến đồng nghiệp và cuối cùng là gia đình hoặc xã hội. Nếu đánh mất niềm tin của nhân viên, họ sẽ sớm rời bỏ công ty bạn.

Sunday, April 24, 2016

Có thể bạn chưa biết: 5 bài học sự nghiệp cho tuổi 25

Bài học đầu tiên: Những khoảnh khắc tệ hại đến rồi cũng sẽ đi. Và những cơ hội tốt cũng vậy.
Mười năm trước, khi Dustin McKissen ở tuổi 25 tuổi và vừa tốt nghiệp cao học, anh đã được nhận vào một vị trí quản lý cấp trung tại một cơ quan hành chính của Mỹ.

Nhưng Dustin cho hay anh cảm thấy không hạnh phúc với cuộc sống. Những thứ mà anh có khi đó chỉ là một khoản nợ khá lớn từ thời sinh viên, và một công việc mà anh không hề hứng thú, mặc dù biết rằng mình vẫn may mắn hơn rất nhiều người khi ấy vì có công ăn việc làm.

10 năm sau, khi giờ đây đã làm giám đốc công ty riêng của mình, Dustin kết luận rằng đây là 5 lời khuyên mà anh muốn gửi đến cho bản thân mình 10 năm trước:

1. Điều gì rồi cũng sẽ qua

Những khoảnh khắc tệ hại đến rồi cũng sẽ đi. Và những cơ hội tốt cũng vậy. Đừng để những cơ hội xấu kéo bạn đi quá xa và quan trọng hơn hết là hãy dùng các cơ hội tốt làm bàn đạp cho bạn vươn xa hết mức có thể.

Hãy học cách quý trọng những mối quan hệ mang lại cho bạn niềm hạnh phúc thực sự, thay vì để suy nghĩ bị chi phối bởi những ba chìm bảy nổi của cuộc sống.

2. Xác định tầm nhìn dài hạn


Nếu bạn đang ở độ tuổi hai mươi, bạn vẫn còn lại ít nhất bốn thập niên trong sự nghiệp của mình. Trong trường hợp của Dustin, anh đang ở giữa độ tuổi ba mươi và vẫn còn ít nhất ba thập kỷ để tạo dựng sự nghiệp.

Hãy chắc chắn rằng bạn đang có một tầm nhìn dài hạn về sự nghiệp của mình. Hãy hình dung về đỉnh cao mà bạn muốn đạt được ở cuối sự nghiệp, và linh hoạt xử lý kế hoạch từ đầu cho đến mục tiêu cuối cùng.

3. Đừng chờ đợi công ty đầu tư cho bạn, hãy chủ động đầu tư vào chính mình


Nhìn vào nhiều trường hợp khác nhau, Dustin nhận thấy đa số mọi người đều mắc một sai lầm rất lớn. Nhiều người tin tưởng rằng việc đào tạo và phát triển chuyên môn của bản thân là trách nhiệm của công ty.
Sự thật không như vậy, bạn cần phải chủ động đầu tư cho sự phát triển của chính mình. Kiến thức là thứ bao giờ cũng thuộc về bạn và đi theo bạn trong suốt sự nghiệp hàng chục năm của mình.

Vì vậy, dù bạn làm công việc gì đi chăng nữa, cũng đừng chờ đợi người khác đầu tư cho mình.

4. Mạng lưới xã hội là rất quan trọng

Các mối quen biết của bạn sẽ mang lại cho bạn những cơ hội giá trị hơn bất kỳ một tấm CV đẹp đẽ nào. Tuy nhiên, phải nhớ rằng việc xây dựng một mạng lưới vững chắc đòi hỏi bạn phải biết đầu tư vào thành công của người khác trước khi họ đầu tư lại cho bạn.

Bạn không thể thành công nếu chỉ đi lượm lặt danh thiếp hoặc những kết nối trên LinkedIn. Thay vào đó, việc xây dựng một mạng lưới tốt đòi hỏi bạn phải ngồi xuống và tìm hiểu người khác với mục đích xây dựng một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.

5. Đừng quá lo nếu bạn chưa sở hữu gì cả

Ở tuổi 25 với tấm bằng cao học, Dustin lúc đó tự tin rằng anh có thể sẽ tìm thấy cơ hội lý tưởng của mình. 3 năm sau đó, khi đã trải qua rất nhiều cuộc phỏng vấn thất bại, anh mới tìm thấy cơ hội đó.

Cách đây 1 năm, sau khi đã có một lượng fan khá đông trên LinkedIn, Dustin bắt đầu khởi nghiệp và tin rằng khách hàng sẽ ồ ạt tìm đến mình, và chuyện kinh doanh sẽ thuận chèo mát mái.

Và hóa ra điều đó cũng chẳng dễ như anh nghĩ, nhưng Dustin đã rút ra kết luận rằng trên đời không có gì là dễ, và bạn phải bỏ sức ra mỗi ngày nếu muốn thành công. Đó là sự thật dù bạn đang ở thời điểm nào của cuộc đời, dù là 25, 35 hay 55 tuổi.

Tuesday, April 19, 2016

Chiến lược Với lương 7tr/tháng bạn sẽ mua nhà và xe hơi sau 5 năm?

7 triệu không phải là một con số lớn, nhưng nếu bạn biết cách sử dụng đúng số tiền ấy, chuyện mua nhà mua xe sau 5 năm là điều hoàn toàn có thể.
Nhiều người vẫn hay than thở, chưa hết tháng tiền đã bay đi đâu mất hết rồi. Đó là do chúng ta vẫn chưa biết cách quản lý tài chính sao cho hợp lý. Hy vọng với những chia sẻ của tôi, các bạn sẽ có được định hướng rõ ràng để có thể dành dụm được đủ tiền mua nhà trong vòng 5 năm tới. Nghe qua bạn sẽ không tin, nhưng nếu chịu áp dụng, bạn sẽ mua nhà được. Không tin tôi? Mời bạn đọc tiếp.
tu-treo-huong-luong-7-trieu-0654 (1)
Cách này mình học hỏi từ tỷ phú Hongkong Li Ka-Shing, người giàu nhất châu Á hiện nay với số tài sản lên tới 29,1 tỷ USD. Nếu bây giờ bạn đi làm được 7 triệu/tháng, hãy chia nhỏ khoảng tiền của mình thành 6 khoản khác nhau, 2.100.000, 1.500.000, 700.000, 1.200.000 và 1.500.000.
Khoản tiền đầu tiên là 2.100.000, bạn có thể dùng nó để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Tiền ăn uống với 70.000 VNĐ là hoàn toàn có thể. Sẽ tiết kiệm hơn nếu bạn có thể tự nấu ăn cho mình. Một bữa ăn trưa ở ngoài có thể tốn 30.000 đồng, nhưng nếu bạn tự nấu 50.000 đồng có thể ăn được cả 3 bữa chính.
Khoản thứ hai, 1.100.000, bạn hãy dùng số tiền này để giao thiệp bạn bè. Nếu không đi ăn, đi chơi nhà hàng sang trọng, số tiền này vẫn đủ để bạn có thể đi cafe hay ăn mấy quán ven đường. Đến cuối cùng, chỉ cần bạn bè vui vẻ là được, không ai ép chúng ta phải chọn những nơi thật sự đắt tiền. Bạn cũng có thể trích 300.000 đồng trong số này để chi trả tiền điện thoại. Bạn cũng cần trích ra 400.000 đồng để chi trả cho xăng xe đi lại hàng ngày, nếu bạn không ngại, việc đi lại bằng xe buýt sẽ vô cùng tiết kiệm.
Khoản tiền 700.000 đồng, bạn để dành để tiết kiệm, cuối năm lại có thể đi du lịch. Nhiều người có thể thắc mắc, 700.000 đồng thì đi được đâu, hãy tính đến số tiền 1 năm nhé! Hơn 8 triệu đồng, bạn có thể du lịch 1 nước Đông Nam Á nào đó, mở mang thêm kiến thức, biết nơi này chỗ kia.
Số tiền 1.200.000 đồng, bạn để dành chi trả cho tiền thuê nhà. Nếu chưa có thể ở một mình vì chi phí thuê nhà quá cao, bạn vẫn có thể ở ghép, chờ tích đủ tiền 1 vài năm, bạn sẽ có 1 nơi ở tiện nghi và thoải mái hơn nhiều. Với những ai ở cùng gia đình, bạn sẽ có sư hẳn khoản tiền này. Hãy dùng nó để đi học thêm 1 cái gì đó, kiến thức luôn là hành trang cần thiết cho chúng ta. Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy tiếc tiền nếu dùng nó để chi tiêu cho học tập.
Cuối cùng là khoản tiền 1.500.000, bạn hãy dùng nó để đầu tư. Nói tới nói lui, nếu bạn không biết tính để tiền đẻ ra tiền thì coi như thua. Mỗi năm lạm phát 5-6%, tiền của bạn để không coi như để nó mục dần dần. Hãy để dành tiền để kinh doanh 1 món đồ nào đó, kinh doanh online chẳng hạn. Đây là một hình thức không tốn nhiều vốn, lại có thể chủ động trong nguồn hàng, rất hợp với những ai thích kinh doanh mà không có nhiều tiền. Dần dần khi đã ổn định, bạn có thể đưa mô hình kinh doanh online đó trở thành 1 cửa hàng thực tế.
Đò là kế hoạch dành cho 1 năm đầu tiên của bạn. Đến năm thứ 2, nếu con số lương của bạn vẫn là 7 triệu, hãy tự trách bản thân mình. Chẳng ai làm việc tốt mà vẫn mãi nằm lì ở 1 mức lương cả. Chưa kể ngày Tết bạn còn được thưởng này nọ, lương tháng 13 nữa.
Tìm thêm 1 công việc làm thêm nào đó nếu bạn cảm thấy mình vẫn còn dư thời gian. Người trẻ, thiếu chi năng lượng, còn có thể cày được lúc nào hãy mau tận dụng lúc đó.
Nếu bạn được tăng lương, hãy vẫn chia tiền của mình thành 5 phần nhỏ rõ ràng như vậy để có thể dễ dàng theo dõi, quản lý. Khi chúng ta chưa có nhiều tiền, hãy hạn chế việc ra ngoài. Càng ra ngoài nhiều, tiền bạc sẽ khó quản lý và dễ dàng bị tiêu phung phí. Nếu không cảm thấy cần thiết, hãy khéo léo từ chối 1 cuộc hẹn.
Tôi đảm bảo rằng, nếu bạn biết tiết kiệm và chi tiêu 1 cách khoa học như vậy, chẳng có lí do gì mà sau 5 năm bạn không trở thành 1 người thành công. Chúng ta có thể nghèo ở một thời điểm nào đó, nhưng nếu biết cách sử dụng đúng đồng tiền của mình, làm ông chủ trong tương lai là hoàn toàn có thể. Hẳn có người sẽ bảo, như vậy là đang sống hay đang tồn tại, tôi tin rằng ngoài kia vẫn còn rất nhiều bạn sinh viên vẫn đang sống rất tốt với số tiền chưa bằng nửa số lương của các bạn đấy! Ráng chịu cực 5 năm đầu để sống sung sướng về sao, ngại gì mà không thử!?
Đó là bí quyết của tôi, còn các bạn có kế nào hay hơn nữa hay không?

Tuesday, April 5, 2016

3 bài học phát triển thị trường marketplace từ Uber

Hiện diện tại hơn 300 thành phố ở 50 quốc gia, Uber đã thay đổi phương thức con người di…

Hiện diện tại hơn 300 thành phố ở 50 quốc gia, Uber đã thay đổi phương thức con người di chuyển, qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến ngành taxi truyền thống. Một trong những “trợ thủ” đắc lực hỗ trợ cho sự thành công của Uber chính là marketplace.
Marketplace là mô hình thương mại điện tử hoạt động theo hình thức C2C (Customer to Customer). Sàn giao dịch điện tử này giúp nhà sản xuất gặp khách hàng nhiều hơn, qua đó giúp Uber được tiếng là một dịch vụ taxi khổng lồ mà không cần phải chi tiền cho những chiếc xe.
Đối với những người muốn khởi nghiệp, giai đoạn đầu luôn bị thách thức bởi yếu tố vốn. Với mô hình marketplace, bạn sẽ “né” được khó khăn trên, bởi nó không đòi hỏi chi phí đầu tư vào những tài sản hữu hình, thay vào đó là một nền tảng ứng dụng công nghệ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Chính vì thế, xu hướng khởi nghiệp với mô hình marketplace đang là đích ngắm của các doanh nhân trẻ.
Michael Pao là một Entrepreneur-in-Residence (doanh nhân tạm trú) tại quỹ đầu tư mạo hiểm Greylock Partners, nơi anh đang kêu gọi các mạnh thường quân đầu tư vào ý tưởng của mình. Với nguồn cảm hứng và những kinh nghiệm tích lũy được sau 4 năm làm việc tại Uber, Pao đang ấp ủ mục tiêu khởi nghiệp với mô hình marketplace.
Bật mí trên trang Techinasia rằng hướng đi sắp tới là sẽ thành lập một startup công nghệ có thể thanh toán ngay tức khắc sau khi kiểm tra lý lịch, Pao cũng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu mà anh đã học được từ Uber trong kinh doanh bằng mô hình marketplace.
Sau đây là 3 bài học Pao đã tích lũy được ở Uber:
1. Tập trung vào những gì bạn cung cấp
Trong giai đoạn đầu khi khởi nghiệp, bạn có thể phải đấu tranh để tìm nhu cầu cho sản phẩm trên thị trường marketplace, nhưng một khi sản phẩm của bạn giúp giải quyết được vấn đề khó khăn của khách hàng, thì cầu sẽ nhanh chóng vượt xa khả năng cung cấp của công ty.
Mặc dù vậy, nếu các công ty hoạt động bằng mô hình marketplace quá tập trung vào việc đưa sản phẩm ra thị trường mà bỏ quên nhận thức cung cấp những gì tốt nhất cho khách hàng, họ có thể gặp rắc rối lớn bởi hầu hết người dùng đều bị hút vào những sản phẩm cũng như dịch vụ tốt nhất.
Vì thế, nếu không nhận thức được điều đó, công ty có nguy cơ đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm lại hoặc tệ hơn nữa là mất thị phần vào tay đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, hãy tập trung tạo ra sản phẩm tốt nhất bởi nó là nhiên liệu chính cho động cơ mang tên marketplace.
2. Thay vì lắng nghe, hãy chỉ cho khách hàng thấy
Một trong những câu yêu thích của Pao về việc thiết kế các sản phẩm là của doanh nhân nổi tiếng Steve Jobs: “Thiết kế sản phẩm cho một nhóm người nhất định thường rất khó. Rất nhiều lần, khách hàng không biết mình muốn gì cho đến khi bạn chỉ nó cho họ”.
Đây là môt thử thách cho các công ty kinh doanh trong thị trường marketplace. Khi tiến hành thiết kế cơ sở dữ liệu cho người dùng, công ty phải tìm cách làm thế nào để xây dựng phù hợp cho từng nhóm khách hàng hoặc thị trường riêng biệt.
Cụ thể, khi bạn xây dựng sản phẩm trên martketplace, bạn phải lắng nghe ý kiến người tiêu dùng, bởi vì những gì tốt nhất cho một lát cắt trên thị trường thường không đại diện cho cả một hệ thống.
Một ví dụ tuyệt vời cho điều này là việc Uber thực hiện việc tăng giá ở thành phố Boston (Mỹ) cho những chuyến xe đêm muộn để thu hút tài xế làm thêm giờ trong khung giờ 1 giờ 30 đến 2 giờ 30.
Tuy nhiên, khách hàng tại đây tỏ ý không hài lòng về việc giá cả tăng, và các tài xế cũng không thích ý tưởng này. Điều đó đã đi ngược lại sứ mệnh của Uber là cung cấp dịch vụ vận chuyển đáng tin cậy với giá cả phải chăng.
Áp lực sửa chữa sai lầm đã thúc đẩy Uber vận dụng tối đa óc sáng tạo của mình, từ đó tính năng uberPOOL ra đời. Ứng dụng này cho phép những người cùng đường đi chung một xe trên nền tảng hệ thống chia sẻ hành trình ETA. Cụ thể, tài xế Uber được đón thêm khách cùng đường với hành trình của khách hàng đầu tiên để tận dụng tối đa chỗ ngồi trên xe, tránh lãng phí.
3. Dễ dàng lúc chơi, khó khăn khi làm chủ
Thông thường, xây dựng chỗ đứng trên thị trường marketplace được chi phối bởi các quy tắc đơn giản – ví dụ, mục tiêu tất yếu khi tham gia marketplace là cân bằng giữa cung và cầu. Tuy vậy, bạn có thể thực hiện được mục tiêu trên theo hàng ngàn cách khác nhau.
Công ty thương mại điện tử Amazon là một hình mẫu thành công trên thị trường này. Trong cuốn sách The Everythong Stone (Cửa hàng bán mọi thứ), tác giả Brad Stone đã mô tả ngọn ngành chiến lược kinh doanh trên thị trường marketplace của Amazon như sau:
“Bezos và các phụ tá của ông đã phác thảo vòng tròn tuần hoàn mà họ tin tưởng mạnh mẽ là sẽ hỗ trợ cho việc kinh doanh của mình. Kiểu như thế này: giá thấp hơn dẫn đến khách hàng vào website nhiều hơn, từ đó sẽ làm tăng số lượng hàng bán và thu hút thêm khách hàng thứ ba quảng bá sản phẩm bán trên website để nhận được hoa hồng.
Vòng tuần hoàn chiến lược kinh doanh của Amazon Điều đó cho phép Amazon nhận được nhiều hơn, ngoại trừ những chi phí cố định phải trả cho trung tâm phân phối (fulfillment centers) và các máy chủ cần thiết để vận hành website.
Một khi vòng tuần hoàn được hoạt động, hiệu quả của chu kỳ tiếp theo sẽ tốt hơn so với trước và từ đó sẽ tiết kiệm chi phí, giúp giá thành sản phẩm giảm. Vì thế, hãy ra sức đẩy chiếc bánh đà (vòng tuần hoàn) để nó tăng tốc độ quay vòng”.
Trên đây là một vài nguyên tắc hoạt động của Amazon khi cung cầu và bạn có thể làm chúng hoàn chỉnh hơn bằng cách liệt kê thêm các cách thức để tăng hiệu quả hoạt động cho công ty mình, như miễn phí vận chuyển với những đơn hàng lớn, sử dụng robot thay vì con người để xử lý đơn hàng, xây dựng nhà kho hoặc trung tâm phân phối lớn…
Ngoài ra, một ý tưởng hoặc sản phẩm ban đầu đơn giản không đủ để tạo ra một công ty marketplace thành công, mà nó còn đòi hỏi thêm cả sự hỗ trợ từ đội ngũ kỹ thuật, tài chính và vận hành.
Theo DNSG

Thursday, March 24, 2016

Có thể bạn chưa biết:20 thói quen của người thành đạt


20 thói quen để trở nên giàu có: Bạn hãy tập thể dục thường xuyên, đọc sách ít nhất 30 phút, chỉ xem TV một tiếng mỗi ngày, học cách nghe nhiều hơn và nói ít đi. Ngày nay, rất nhiều người chỉ hoạt động như một cái máy đã được lập trình sẵn và không chịu dành thời gian nhìn nhận, điều chỉnh lại những thói quen của mình. Entrepreneur đã tổng kết từ cuốn sách “Những thói quen giàu có” của Tom Corley và những bài viết gần đây của ông để đưa ra 20 hành động giúp bạn thành công. Nếu không có chúng, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội làm giàu cho bản thân.

01. Thiết lập thói quen tốt mỗi ngày: Thói quen tốt là nền tảng của sự giàu có. Sự khác biệt giữa những người thành công và người bình thường nằm ở chính những thói quen hàng ngày. Nói cách khác, người thành công có rất nhiều thói quen tốt và cực kỳ ít thói xấu. Nếu có thể nhận ra chính những thói xấu đang ngăn cản mình trở nên giàu có, đây chính là bước khởi đầu để bạn thay đổi số phận của mình.
Thói quen của người thành đạt
Thói quen của người thành đạt
Corley khuyên rằng bạn nên lấy giấy, chia làm 2 cột. Một ghi lại thói quen xấu, và một chuyển chúng thành tốt. Ví dụ như thay vì xem TV quá nhiều, giờ bạn chỉ xem một tiếng mỗi ngày. Hay viết tên ra giấy để học thuộc chúng, thay vì cố nhớ nhẩm trong đầu. Sau 30 ngày, bạn sẽ rất ngạc nhiên vì sự tiến bộ của mình.
02. Thường xuyên đặt ra mục tiêu: Người thành đạt luôn hành động vì mục tiêu. Họ liên tục đặt ra mục tiêu và lên sẵn kế hoạch cho một ngày làm việc. Người thành đạt là những người biết nhìn xa trông rộng. Họ có mục tiêu cho mỗi ngày, mỗi tuần, tháng, và năm.  Nhưng một mục tiêu sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có kế hoạch để đạt được. Vì vậy, bên cạnh đặt ra mục tiêu, người thành công còn nỗ lực tìm cách thực hiện chúng và luôn có trách nhiệm với bản thân mình. Bạn có thể học cách thiết lập và hoàn thành mục tiêu của cá nhân 1 cách nhanh chóng thông qua khoá học Kỹ năng giao tiếp thông minh tại Academy.vn.
03. Tự hoàn thiện bản thân: Người thành công luôn tìm cách để tự hoàn thiện bản thân mình. Họ đọc sách mỗi ngày và học hỏi để nâng cao chuyên môn. Họ không bao giờ lãng phí thời gian cho những việc không giúp mình tiến gần mục tiêu. Người thành đạt biết rằng thời gian là tài sản vô cùng quý giá và chỉ nên được sử dụng cho công việc của mình. Tự hoàn thiện chính là cam kết thực hiện các hành động để rèn luyện bản thân mình. Hãy tìm cách cách mở mang vốn hiểu biết. Điều này không hề dễ dàng, nhưng con người chỉ có thể trưởng thành từ những thử thách. Khi đã có kiến thức, cơ hội sẽ tìm đến bạn.
04. Chăm sóc sức khỏe: Mỗi ngày, người thành đạt đều tập thể dục và ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn là vô cùng quan trọng. Tập thể dục có thể trở thành một thói quen thường nhật, cũng như tắm rửa. Những người tập thể dụng đều đặn sẽ tích lũy được nhiều năng lượng để hoàn thành các kế hoạch đặt ra.
05. Xây dựng các mối quan hệ: Người thành công thường là tâm điểm chú ý của những người xung quanh. Họ dành một phần thời gian của mình để thắt chặt tình bằng hữu và thiết lập các mối quan hệ lâu dài. Họ luôn chủ động tiếp xúc và giúp đỡ người khác mà không mong đợi sự đáp trả.
Có người từng nói, âm thanh tuyệt diệu nhất trên thế giới là tên của chính mình. Vì vậy, hãy cố gắng nhớ tên của tất cả những người bạn gặp. Hãy tự hỏi, chẳng lẽ bạn không ấn tượng với một ai đó nhớ tên của mình à? Đó là cách hữu hiệu để tạo dấu ấn và sự khác biệt cho bản thân.
06. Có nếp sống điều độ: Bạn sẽ đạt được sự cân bằng trong cuộc sống nếu biết sinh hoạt điều độ. Điều này có nghĩa là sắp xếp các hoạt động làm việc, ăn uống, tập thể dục, uống rượu, xem TV, lướt web… một cách khoa học. Như thế, mọi người sẽ thích kết giao với bạn. Khi họ đã thích bạn, bạn sẽ có nhiều cơ hội trong việc hợp tác kinh doanh để làm lợi cho công việc của mình.
07. Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ: Việc hôm nay chớ để ngày mai. Hãy hoàn thiện hết những công việc đã bắt đầu. Tất cả mọi người đều có những nỗi sợ, nhưng người thành đạt sẽ dẹp nỗi sợ sang một bên và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ quan trọng bằng mọi giá. Corley khuyên rằng khi ý nghĩ trì hoãn công việc xuất hiện trong đầu, hãy nhắc đi nhắc lại cụm từ “Phải làm ngay”, và đừng dừng lại cho tới khi công việc đã xong xuôi.
08. Giữ quan điểm tích cực: Hầu hết người thành công đều là những người lạc quan, nhiệt huyết và năng động. Họ luôn nhìn vào điểm tốt của bản thân và người khác. Với họ, các vấn đề chính là những cơ hội đang chờ được khám phá. Mỗi ngày chúng ta đều bị ngập trong vô vàn tin tức về những chuyện không hay đang xảy ra. Người thành đạt sẽ hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những tin tức kiểu này. Thay vào đó, họ nuôi dưỡng tâm hồn mình với những suy nghĩ tích cực từ trong sách.
09. Tiết kiệm thường xuyên: Theo Corley, người thành đạt thường dành ra 10 – 20% thu nhập của mình để thêm vào tài khoản tiết kiệm, đầu tư hoặc dự phòng khi nghỉ hưu.
10. Chi tiêu hợp lý: Người giàu luôn cố gắng tránh bội chi. Trong khi đó, rất nhiều người khác lại đang vật lộn với các khó khăn tài chính do chi tiêu quá khả năng. Họ tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được và rơi vào cảnh nợ ngập đầu. Nếu bạn đang ở trong tình trạng này, hãy thay đổi ngay để có thể kiểm soát tốt tài chính của mình.
11. Đọc sách mỗi ngày: Rất nhiều người thành công dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đọc sách. Đọc sách có thể mở mang tri thức của bạn. Dành thời gian đọc sách tức là bạn đang phấn đấu hoàn thiện bản thân, giúp mình nổi bật và khác biệt với những người xung quanh.
12. Hạn chế xem TV: Bạn có biết rằng hầu hết người thành đạt không bao giờ xem TV quá một giờ đồng hồ mỗi ngày? Thời gian dành ra để xem truyền hình có thể được sử dụng để làm những công việc khác năng suất cao hơn nhiều.
13. Làm nhiều hơn những gì được yêu cầu: Thay vì hoàn thành nhiệm vụ được giao, người thành công thường làm nhiều hơn như thế. Họ tình nguyện làm những việc không nằm trong nghĩa vụ của mình và từ đó nâng cao giá trị bản thân. Nếu là một doanh nhân, bạn sẽ không có sếp để quản lý và giao nhiệm vụ cho mình. Tuy nhiên, hãy làm việc hết sức và tận tâm để tạo ấn tượng với khách hàng.
14. Nói ít đi, lắng nghe nhiều hơn: Bạn luôn học được điều gì đó khi lắng nghe người khác. Đó là lý do vì sao con người có hai tai, nhưng lại chỉ có một cái miệng. Việc chú ý lắng nghe người khác không chỉ hữu ích cho bạn, mà còn làm lợi cho công việc của bạn. Khi chú tâm tới những gì người khác nói, bạn sẽ có thể giúp đỡ họ tốt hơn.
15. Không bỏ cuộc: Đừng nản lòng khi gặp khó khăn. Người giàu luôn tìm cách xoay xở để vượt qua mọi trở ngại. Có thể họ sẽ phải thay đổi hướng đi của mình, nhưng sẽ luôn tiến về phía trước.
16. Giao thiệp với những người cùng chí hướng: Có câu nói: “Cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”. Người thành công sẽ kết giao với những người cũng thành công như họ. Những mối quan hệ tốt sẽ giúp bạn sớm đạt được mục tiêu của mình.
17. Tầm sư học đạo: Rất nhiều người thành công có được vinh quang là nhờ sự dạy dỗ từ người thày của mình. Một người đi trước dày dạn kinh nghiêm sẽ truyền cho bạn những bài học quý giá và giúp bạn đạt được thành công nhanh hơn.
18. Hiểu nguyên nhân: Khi bạn hiểu được lý do của việc mình làm, bạn sẽ đạt được những gì mình muốn nhanh hơn. Có mục đích rõ ràng là một điều vô cùng quan trọng để thành công trong cuộc sống và kinh doanh. Hãy tự hỏi mình tại sao bạn lại khao khát thành công? Vì cái gì bạn muốn trở nên giàu có?
19. Trấn áp nỗi sợ: Nhưng người thành công sẽ không cho phép nỗi sợ kìm hãm sự phát triển của mình. Hãy nhìn nhận lại những nỗi sợ của bản thân và tìm cách vượt qua chúng. Bạn nên tham khảo người mình ngưỡng mộ hoặc học hỏi trong tiểu sử của những người giàu để xem họ đã vượt qua nỗi sợ như thế nào.
20. Nâng cao kỹ năng: Để thành công, cách duy nhất là khiến bản thân giỏi hơn trong lĩnh vực của mình. Điều gì có thể đưa bạn tới đỉnh cao sự nghiệp trong vòng 30 ngày? Hãy tập trung vào nó, tức là theo đuổi đến cùng cho tới khi chạm tay tới thành công.

Sunday, March 20, 2016

Có thể bạn chưa biết:ĐỪNG “TẠO ẤN TƯỢNG” BẰNG MỘT HỒ SƠ TỆ

Hồ sơ chính là hình ảnh đầu tiên của bạn trước Nhà tuyển dụng (NTD). Khi bạn gởi “hình ảnh” này đi, có bao giờ bạn tự hỏi bạn đã để lại ấn tượng ra sao đối với NTD hay không? Hãy mở hồ sơ của bạn và khám phá những “ấn tượng” của NTD về bạn nhé!

1. Không dùng dấu câu khi trình bày hồ sơ bằng tiếng Việt:

- Ví dụ:
o Thong tin ho so: Ke toan vien, ke toan cong no
o Ho va ten: Nguyen Van Hoa
“Tác dụng”: 
o Bạn sẽ nhanh chóng làm NTD khó chịu vì họ bị căng thẳng hết sức mới đoán được bạn đang muốn truyền tải nội dung gì.
o Tiếng Việt đa dạng về dấu và thế là NTD tha hồ gọi bạn bằng các tên mà họ có thể nghĩ ra như Nguyễn Vân Hoa, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Hóa….
2. Cung cấp địa chỉ e-mail không ăn nhập gì với tên của bạn:
- Ví dụ: 
o Dùng các địa chỉ email nghe rất “lãng tử” như kelangtu@..., doitoicodon@..., maimaichoem@..., bocaubenho@...
“Tác dụng”
o Những địa chỉ e-mail kém nghiêm túc và dài dòng sẽ khiến NTD đánh giá ngay là bạn chưa chuyên nghiệp và không nghiêm túc khi đi tìm việc
o Những địa chỉ e-mail bao gồm tên bạn như là thuykieu29@... hay phambinhminh@...sẽ có hiệu quả ngược lại.
3. Trình bày toàn bộ hồ sơ bằng chữ in hoa: 
- Ví dụ:
o Mục tiêu nghề nghiệp: TÔI MONG MUỐN ĐƯỢC LÀM VIỆC TẠI CÁC TỔ CHỨC CHUYÊN NGHIỆP
“Tác dụng”: 
o Hồ sơ được viết hoa trông sẽ rất rườm rà, rối mắt và bất bình thường. Tệ hơn, đối với tiếng Anh, viết in hoa là bạn đang “thét” vào mặt người đọc đó.
4. “Tạo ấn tượng” bằng các lỗi chính tả , lỗi dấu câu hoặc không viết hoa khi cần:
- Ví dụ: 
o Kế toàn tỗng hợp – Công tytnhh tm hiep mih phat
“Tác dụng”: 
o Đây là cách “hiệu quả nhất” thể hiện bạn là người cẩu thả trong công việc
o Các NTD sẽ thẳng tay loại hồ sơ của bạn ra vì bạn sẽ không được đánh giá là người làm việc hiệu quả. Họ nghĩ rằng nếu một ứng viên không thể viết được một hồ sơ gây ấn tượng tốt, thì hàng ngày ứng viên đó sẽ xử lý công việc như thế nào.

5. Viết quá sơ sài và chung chung về những kinh nghiệm đã có

- Ví dụ:
o Là kế toàn bán hàng – công nợ - thu chi – quỹ tiền mặt – kho…
o Làm chứng từ xuất nhập khẩu, khai hải quan
“Tác dụng”: 
o NTD sẽ không tìm kiếm được những thông tin quan trọng mà họ cần để biết được bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không. Họ sẽ không ngần ngại để hồ sơ của bạn sang một bên và không bao giờ ngó ngàng tới.
o Bạn cũng “giúp” NTD nghĩ rằng bạn chẳng biết bản thân bạn đã làm được gì, nên họ cũng không có lý do gì để tuyển dụng bạn. 
o Muốn có tác dụng ngược lại, bạn hãy chọn cách trình bày cụ thể và súc tích các nhiệm vụ chính và chú trọng các thành tích mà bạn đạt được như sau:
- Điều phối và quản lý các hoạt động hàng ngày ở phòng kế toán
- Duy trì hệ thống thông tin kế toán và đảm bảo mức độ đáng tin cậy của hệ thống 
- Quản lý, kiểm tra và phê duyệt công việc của nhân viên kế toán để đảm bảo tính chính xác, kịp thời, quản lý sổ sách trong mọi lĩnh vực kế toán: bảng lương, giấy báo thu, nợ phải trả, tài sản cố định, tồn kho, tiền chi vặt, hợp nhất và các hoạt động hỗ trợ khác. 
- Hoàn thành báo cáo tài chính hàng tháng, hàng quý, hàng năm bao gồm các dự báo và phân tích tài chính chi tiết cho ban giám đốc, kiểm toán viên, ngân hàng.
- Tổ chức, quản lý và theo dõi các khoản nợ phải trả, các khoản phải thu
6. Sử dụng lẫn lộn cả tiếng Việt và tiếng Anh
- Ví dụ:
o Học Vấn: Ton Duc Thang University of Technology
Hạch toán – kế toàn
Associate’s degree
Sep 2005 – Aug 2007
“Tác dụng”: 
o Ngay lập tức, bạn “giúp” NTD hiểu rõ tính cẩu thả, thiếu cẩn trọng và thiếu nhất quán của mình. Thậm chí NTD còn đánh giá khả năng ngoại ngữ của bạn còn hạn chế nên phải sử dụng lẫn lộn cả Tiếng Việt và Tiếng Anh để diễn tả cho hết ý.
7. Viết hồ sơ với một văn phong không nghiêm túc, bỡn cợt
- Ví dụ:
o Tôi từng là một sinh viên xuất sắc với năng khiếu kinh doanh, dễ dàng “buôn nước bọt” và kiếm được khối tiền khi còn đi học, chẳng chịu “bó tay chịu đói” bao giờ.
“Tác dụng”: 
o NTD sẽ nhanh chóng nhận ra thái độ không nghiêm túc của bạn, cho rằng bạn có ý trêu đùa chứ không phải xin việc, vậy thì chẳng việc gì họ lại mời bạn dự phỏng vấn cả!
8. Nêu lên những bằng cầp không liên quan đến yêu cầu công việc:
- Ví dụ: 
o Bằng “tổ chức sự kiện” cho vị trí ứng tuyển kế toán viên
“Tác dụng”: 
o NTD nghi ngờ ngay sự quan tâm của bạn đối với công việc và khả năng làm việc. Song song đó, NTD sẽ thấy bạn có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực họ đang cần và điều đó có nghĩa là bạn sẽ không được mời phỏng vấn.
9. Điền tên chính bạn vào mục Tham khảo hoặc điền tên chung chung không có chức danh và địa chỉ liên lạc, số điện thoại cần thiết
- Ví dụ: 
o Tham khảo chính tôi
o Tham khảo ông Nguyễn Văn Bằng
“Tác dụng”: 
o NTD sẽ thấy bạn quá kiêu ngạo và không có ai đáng tin để tham khảo. Hoặc với một cái tên quá chung chung, có lẽ bạn đã tự tạo ra mà không có ông Nguyễn Văn Bằng thật nào để họ có thể liên lạc!
o Để có hiệu quả ngược lại, bạn nên nhờ người trưởng phòng, người giám sát trực tiếp, hay những người biết rõ năng lực của bạn làm người tham khảo. Nếu là sinh viên mới ra trường, bạn có thể nhờ giáo sư ở trường đại học của bạn làm người tham khảo. Bạn cần ghi rõ chức danh và địa chỉ để liên lạc (địa chỉ e-mail hoặc số điện thoại)
Chỉ cần bạn làm theo 1 trong những hướng dẫn trên đây, hồ sơ của bạn sẽ nhanh chóng tạo được “ấn tượng” với NTD. Đó là điều bạn muốn? Chắc chắn câu trả lời là KHÔNG! Vậy hãy làm ngược lại tất cả các điều trên và đừng vi phạm dù chỉ là một lỗi nhỏ trong những lỗi đó.
Ấn tượng đầu tiên là ấn tượng khó phai nhất! Hãy để lại một ấn tượng tốt đẹp đối với NTD vì bạn chỉ có một cơ hội duy nhất để tạo ấn tượng đầu tiên!

Có thể bạn chưa biết:Thủ tục và điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Quy định về Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2016 mới nhất theo Luật làm việc số 38/2013/QH13 gồm: Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp…

1. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp:
- Hàng tháng, DN đóng cho người lao động và trích từ tiền lương tháng của NLĐ để đóng vào Quỹ BHTN với tỷ lệ đóng là 2 % theo quy định về bảo hiểm thất nghiệp mới nhất.
Trong đó:
- Doanh nghiệp đóng 1%
- Người lao động đóng 1% tiền lương tháng
- Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính đóng BHTN là mức lương tối thiểu vùng và mức tối đa là 20 lần mức lương tối thiểu vùng.
2. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trong tất cả các cơ quan, đơn vị (không phân biệt số lượng lao động đơn vị đang sử dụng).
- Nếu NLĐ có ký hợp đông lao động với nhiều công ty thì Công ty đầu tiên phải có trách nhiệm tham gia BHTN cho NLĐ.
- Những hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên ký trước tháng 01/2015 mà có giá trị trong năm 2015 (hoặc người lao động tiếp tục làm việc từ tháng 01 năm 2015), chưa được tham gia BHTN, thì DN phải làm thủ tục tham gia BHTN từ tháng 01/2015.
Chú ý: - Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi hợp đồng lao động có hiệu lực, DN phải làm thủ tục tham gia BHTN cho NLĐ tại tổ chức BHXH.
3. Điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp:
a. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
   + Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
   + Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
b. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động (đối với các trường hợp: Hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn).
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động (đối với các trường hợp: Ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng)
c. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.
d. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Chết.
Lưu ý: - Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.
4. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
- Nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định
- Hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do DN quyết định.
- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
- Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
5. Hướng dẫn thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp:
a. Trình tự thực hiện:
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Sở Lao động - TBXH.
- Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Trung tâm Giới thiệu việc làm.
- Cách thức thực hiện: Trụ sở cơ quan hành chính.
- Thời hạn giải quyết: Không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Đối tượng thực hiện: Cá nhân.
b. Các bước thực hiện:
- Bước 1: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi bị mất việc làm hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, thành phố để đăng ký.
- Bước 2: Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, thành phố xác định mức thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp và trình Giám đốc Sở Lao động - TBXH xem xét quyết định.
- Bước 3: Người lao động nhận Quyết định hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, thành phố.
c. Thành phần hồ sơ:
- Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.
- Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
- Bản sao (có chứng thực) hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đúng pháp luật và xuất trình sổ Bảo hiểm xã hội
- Số bộ hồ sơ: 01 (một) bộ.
d. Yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện TTHC
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ mười hai tháng trở lên trong vòng hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTB...
- Đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTB...

- Chưa tìm được việc làm sau mười năm ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm.